Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Viết tiếp chuyện những người thương binh “tàn nhưng không phế”

( Cập nhật lúc: 10/12/2012  )
Những chiến sĩ một thời xông pha trận mạc, viết nên trang sử hào hùng cho dân tộc. Người thương binh “tàn nhưng không phế” trở về quê hương nay lại có nhiều cống hiến trong lao động sản xuất, trong các hoạt động xã hội, tiếp tục đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Từ những thương binh hạng nặng

Sinh năm 1950, ông Lục Văn Vương là bệnh binh trú tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm. Sau 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trở về địa phương, ông mang trên mình những vết thương do mảnh đạn quân thù với tỷ lệ thương tật là 61%. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giành nhiều chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, con em người có công được ưu tiên trong học tập, được xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học, được trợ cấp khi theo học cùng nhiều ngôi nhà tình nghĩa đã được xây lên để trao tặng cho các gia đình chính sách. Để đáp lại sự quan tâm ấy, ông Vương luôn cố gắng đem hết sức lực còn lại, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết giúp đỡ người xung quanh. Được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, ông tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trồng nhiều loại cây ăn quả, nuôi cá, chăn nuôi gia súc gia cầm, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 20 triệu đồng. Đến nay, gia đình không còn gặp khó khăn về kinh tế, các con ông thi đỗ đại học và có người đang theo học đến Cao học.

Nhắc đến ông Nông Văn Đô, người dân thôn Khau Ban, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể không ai không biết. Ông chính là người đã mang đến một luồng gió mới cho khu tái định cư này. Năm 2006 là năm đầu gia đình ông cùng 26 hộ dân tiến hành di dời từ thôn Tả Kẻn, xã Nam Mẫu lên khu tái định cư mới ở thôn Khau Ban, xã Khang Ninh. Những năm đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn do tập quán canh tác mới, trình độ dân trí không đồng đều, khoa học kỹ thuật chưa đến được với bà con. Được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn cộng với bản chất của người lính, không ngại khó, ngại khổ, ông mạnh dạn nhờ đến sự giúp đỡ của Đảng ủy chính quyền địa phương, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Riêng ông áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, đưa các loại giống lúa năng suất cao vào sản xuất, xây dựng mô hình trồng đỗ xanh, đỗ tương, hồng không hạt, bí xanh thơm. Bên cạnh đó là đào ao thả cá, nuôi gà, trâu, bò, lợn, nuôi động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao như: Nhím, chồn nhung đen, dúi, trĩ đầu đỏ. Đến nay, tổng đàn nhím của ông có hơn 20 con cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu/năm. Với cương vị là trưởng thôn, ông còn tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ người dân, chính vì thế, thôn Khau Ban từ chỗ có 14 hộ nghèo, đến nay hộ nghèo đã xóa xong, cuộc sống bà con ngày càng nâng cao, thôn không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật.

Đến bí thư chi bộ có nhiều thành tích

Thương binh Ngô Cường Thịnh lên đường nhập ngũ từ năm 1967, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trải qua quá trình công tác, ông được Nhà nước trao tặng nhiều Bằng khen, danh hiệu, Huân huy chương vì đã có thành tích dũng cảm trong chiến đấu.

Trở về địa phương nghỉ hưu theo chế độ Quân đội vào năm 1988, ông giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ thôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Huyền Tụng, Huyện ủy viên huyện Bạch Thông khóa 9,10, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thị trấn Minh Khai. Sau khi tái lập tỉnh, ông được bầu vào Ban Chấp hành Thị ủy thị xã Bắc Kạn khóa 2,3. Từ tháng 10/2002 đến tháng 7/2007, ông giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thị xã.

Dù ở cương vị nào, ông luôn khiêm tốn học hỏi, chủ động tham mưu, phát huy sự nhất trí đoàn kết của tập thể, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nhiều năm liền, Đảng bộ luôn được công nhận trong sạch vững mạnh, địa phương được đón nhận Bằng khen của tỉnh, Bộ ngành Trung ương và 02 lần được Chính phủ tặng cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với kết quả đó, ông đã được tặng thưởng nhiều Huy chương cao quý của Trung ương và địa phương, 4 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và cấp tỉnh, được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Ông Thịnh tâm sự: Để đạt được những thành tích trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân còn có sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, hội và nhân dân địa phương. Giờ đây, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần nhưng ông vẫn sẽ tích cực tham gia các hoạt động phong trào, tuyên truyền nhân dân tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài những tấm gương kể trên, không thể không nhắc đến các ông: Hạ Sỹ Lường, Hoàng Đình Miện, Nguyễn Hữu Quy, Vũ Như Xuyên cùng nhiều những thương binh khác vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Đơn cử như gia đình ông Hạ Sỹ Lường vừa trồng rừng, vừa mở xưởng cưa xẻ gỗ để tận dụng nguồn lâm sản và tạo việc làm cho 20 lao động nhàn rỗi của địa phương. Đến nay, ông có 3 cửa hàng bán tạp hóa, bán thức ăn gia súc và bán đồ gỗ cao cấp; xây được 2 căn nhà kiên cố, mỗi căn nhà trên 300m2 có giá trị lên đến vài tỷ đồng. Ngoài ra, ông đang kết hợp cùng các đồng đội cũ đấu thầu một số dự án khai thác và chế biến lâm sản.

Có thể khẳng định rằng, dù trong thời chiến hay trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, họ vẫn phát huy được phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ” với ý chí và nghị lực phi thường, biến lời dạy của Bác thành hiện thực “Thương binh tàn nhưng không phế”./.

Tác giả:  Thu Trang
Nguồn: 
Sign In


Cổng TTĐT Bắc Kạn - Sở Lao động Thương binh & Xã hội

Trưởng Ban Biên tập: Hà Thị Liễu Giám đốc Sở.

Địa chỉ: Tổ 7B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Điện thoại: 0209.3870.537 - Email: soldtbxh@backan.gov.vn

Giấy phép số 01-GP/TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 31/01/2018.

Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang