Triển khai hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”
( Cập nhật lúc:
12/07/2023
)
Thực hiện Công văn số 314/PCTNNXH-HTNNTT ngày 10/7/2023 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – TB và XH về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”; Công văn số 4241/UBND-NCPC ngày 5/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Ngày 11/7/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 1562/KH-LĐTBXH triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, mục đích nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; giảm nguy cơ bị mua bán và tăng cường kỹ năng phòng tránh bị mua bán trở lại; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng.
Nội dung của Kế hoạch:
1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 27/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến 2030; Kế hoạch số 102/KH-BCĐ138 ngày 22/02/2023 của Ban chỉ đạo 138 tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023; Luật Phòng, chống mua bán người.
2. Thực hiện các hoạt động truyền thông trên cổng thông tin điện tử, hệ thống phát thanh các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7”.
Xây dựng pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng ... với các khẩu hiệu: “Tích cực hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người” và “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội”...
Truyền thông về công tác phòng, chống nạn mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động, mua bán người thông qua tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài; chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
3. Thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân vào lưu trú tại Cơ sở Bảo trợ xã hội, đảm bảo nạn nhân có nhu cầu được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
4. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác.
5. Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
6. Tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán.
7. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hoạt động cấp phép lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, kịp thời phát hiện những sai phạm, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu việc làm có các hoạt động liên quan trong thời gian tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động cần lồng ghép, cung cấp kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn.