Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG “NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI - 30/7” NĂM 2021

( Cập nhật lúc: 16/07/2021  )

-Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người đang trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

-Tội phạm mua bán người ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Các nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh... Để hạn chế nhiều hệ luỵ mua bán người đáng tiếc từ những sự bất ổn nêu trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

-Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của chính phủ, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, quan trọng nhất mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

- Luôn cảnh giác với những lời hứa hẹn tìm việc, rủ hợp tác làm ăn, tìm việc làm có thu nhập cao cả trong nước và nước ngoài.

- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

- Nếu có kế hoạch đi xa, hãy tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Đừng quên tham khảo ý kiến mọi người và thông báo cho gia đình trước khi đi xa.

- Thường xuyên cập nhật tin tức, kiến thức để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.

- Luôn chuẩn bị cho bản thân địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

- Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

 - Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần phát huy sức mạnh tổng hợp; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, và hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán; tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác phòng, chống mua bán người. Đối với người dân hãy biết tự bảo vệ chính bản thân mình, tránh xa mọi cám dỗ và những cạm bẫy của bọn tội phạm; mỗi gia đình luôn nhắc nhở con em hiểu được phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để phòng ngừa, tránh xảy ra hậu quả không mong muốn./. 

 

Tác giả:  Thu Hường
Nguồn: 
Sign In


Cổng TTĐT Bắc Kạn - Sở Lao động Thương binh & Xã hội

Trưởng Ban Biên tập: Hà Thị Liễu Giám đốc Sở.

Địa chỉ: Tổ 7B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Điện thoại: 0209.3870.537 - Email: soldtbxh@backan.gov.vn

Giấy phép số 01-GP/TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 31/01/2018.

Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang